Xe nằm trong tiệm cầm đồ, Giá trị cầm cố trong nhiều trường hợp vượt xa giá trị tài sản đảm bảo, biên lợi nhuận thấp nhưng phải bù cả phần hoa hồng cho đối tác… là những lý do mà các ngân hàng ngán ngẩm với khoản vay.
Theo khảo sát từ một số nhân viên tín dụng tại Hà Nội, các ngân hàng thường cũng phải chi thêm hoa hồng cho các đại lý bán xe 0,7-1%/giá trị khoản vay để giữ mối, trong khi lãi suất cho vay không vượt qua so với mặt bằng chung, thông thường là 7-9% cho năm đầu tiên và khoảng 11-13% cho những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm: Ngân hàng nào có lãi suất cho vay mua ô tô rẻ nhất thị trường
Bên cạnh đó, khâu xử lý nợ quá hạn đối với cho vay mua ô tô đang bộc lộ nhiều vấn đề. Theo bộ phận xử lý nợ của một ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô, 50% nợ xấu mảng cho vay mua ô tô có liên quan đến việc các tài sản đảm bảo được thế chấp hoặc cầm cố ở cửa hàng cầm đồ. Nợ xấu xảy ra, khách hàng trốn biệt tăm, chủ hàng cầm đồ không chịu gặp trực tiếp ngân hàng. Ngân hàng chỉ cầm giấy tờ chứ không sở hữu tài sản khiến cho việc xử lý khoản vay gặp nhiều khó khăn.
Trong trường hợp ngân hàng cho vay tối đa 80-100% giá trị xe, cửa hàng cầm đồ cho cầm cố tiếp 20-30% dẫn tới thực tế là giá trị hai khoản vay cao hơn giá trị còn lại của xe. Nếu không thỏa thuận được giữa các bên thì khởi kiện ra tòa là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên thực tế quá trình này thường diễn ra trong thời gian dài, gây thiệt hại với tất cả các bên.
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đẩy mạnh phân khúc này vì đó vẫn là một kênh để tăng trưởng tín dụng, tăng dư nợ cho vay, hơn là để đồng vốn đứng im không sinh lời. Các ngân hàng tầm trung khó cạnh tranh ở những phân khúc cao hơn như bất động sản nhưng vẫn phải duy trì tăng trưởng cao nếu muốn thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu, do vậy mục tiêu với thị trường ôtô sẽ là lấy số lượng bù chất lượng.